Tham quan khu di tích Cụ NGUYỄN SINH SẮC

Lượt xem:

Đọc bài viết

Được sự thống nhất của Thường trực Huyện ủy. Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, Phòng GD-ĐT Huyện xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên báo, đài và cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Thuận năm 2019. Sau 3 ngày tập huấn (04/06 – 06/06) ở Trung tâm Bồi dưỡng  Chính trị. Hôm nay (08/06) Chúng tôi có một chuyến đi thực tế để trải nghiệm lại những gì đã tiếp thu trong 3 ngày qua. Nơi chúng tôi đến là khu di tích NGUYỄN SINH SẮC – thân sinh của Chủ Tịch HỒ CHÍ MINH.

Khu di tích NGUYỄN SINH SẮC

Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc tọa lạc số 123/1, đường Phạm Hữu Lầu, thuộc phường 4, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng ThápViệt Nam. Đây là nơi an nghỉ của Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (18621929), là một nhà nho yêu nước, và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích được xếp hạng cấp quốc gia ngày 9 tháng 4 năm 1992.

Khi đến nơi, chúng tôi đã tiến thẳng vào lăng của Cụ và kính viếng vòng hoa tươi thắm, thắp nén hương và tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến Người.

-Mộ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (quan trọng nhất): Mộ được ốp bằng đá hoa cương. Núm mộ hình chữ nhật màu xám tro, yên vị trên nền mộ bằng đá mài trắng, hình lục giác không đều mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Vòm mộ hướng về phía Đông, là một cánh hoa sen cách điệu, có dáng dấp hình bàn tay xòe úp xuống, trên là chín con rồng cách tân đậm nét dân gian, vươn ra trước thành 9 đầu hồi, tượng trưng cho hình ảnh nhân dân đồng bằng sông Cửu Long chở che, ôm ấp phần mộ. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Đặc biệt, tại đây có cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Cách vòm mộ 25 m về phía trước là hồ sen hình ngôi sao năm cánh, giữa hồ sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao 6,5 m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, lương tâm trong sạch của Nguyễn Sinh Sắc, và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp luôn yêu quý ông.

Sau khi thắp hương tỏ lòng thành kính thì đoàn chúng tôi tiếp tục đi đến Đền thờ Cụ Phó Bảng. Đền thờ là nơi tổ chức các nghi lễ thờ phụng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Vào ngày 27 tháng 10 âm lịch hàng năm, tại Đền thờ,  Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Đồng Tháp tổ chức các nghi thức cúng giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ấm cúng, trang trọng nhưng không kém phần tôn nghiêm.

Từ Vòm mộ nhìn về phía trái gần cổng vào khu mộ là Đền Thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Đền thờ được hình thành trên cơ sở cải tạo lại nhà bát giác (nhà có tám cạnh, mỗi cạnh 5m và dãy nhà hộp hình chữ nhật liền kề); là hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 của dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc” được khánh thành chính thức đưa vào sử dụng vào ngày giỗ lần thứ 83 (ngày 10/12/2012) của cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc

Phần mái Đền Thờ được lợp ngói âm dương màu đỏ, các gờ nóc và mái có độ cong tạo vẻ uy nghi và uyển chuyển. Toàn bộ nền nhà được lót bằng đá hoa cương màu sậm.

Tại gian chính là bốn cột trụ tròn thể hiện thế “thượng thu hạ thách” (trên nhỏ dưới to), đồng thời tứ trụ cũng thể hiện thế tứ linh trong trời đất. Mặt trước hai cột là đôi liễng về Cụ Sắc. Hai trụ trong gắn bao lam bằng gỗ chạm hoa văn sen, mai, cúc, trúc… thể hiện cảnh sắc bốn mùa tươi tốt.

Giữa gian thờ là bức tượng Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Chiếc bàn gỗ được chạm khắc công phu nhằm mục đích đặt các mâm thờ cúng vào ngày giỗ Cụ và lễ tết. Phía trước đó là một bàn thờ khác đặt các dụng cụ nghi lễ thờ cúng như chân đèn, đỉnh trầm…

Hai bên khu vực thờ cúng là hai tấm bình phong có nội dung ca ngợi vẻ đẹp quê hương Đồng Tháp. Điều này tạo nên một không gian ấm cúng và mang ý nghĩa là nơi cụ Sắc về nơi an nghỉ vĩnh hằng.

Toàn bộ gian thờ toát lên vẻ hài hòa, đồng nhất giữa trời và đất, tạo nên một không gian ấm cúng và thiêng liêng.

Bên cạnh gian thờ là phòng trưng bày những hình ảnh và hiện vật do Đảng, nhà nước cùng nhân dân khắp các nơi tặng cho Khu di tích. Đặc biệt nơi đây còn có bảng vinh danh người có công giúp đỡ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và các tổ chức, cá nhân có đóng góp to lớn vào Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc.

Đoàn chúng tôi tiếp tục tiến đến Thăm nhà sàn Bác Hồ tại khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Thăm nhà sàn Bác Hồ tại khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc

Nằm trong Quần thể Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, rộng gần 10 ha ở phường 4, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), mô hình Nhà sàn Bác Hồ là nơi người dân miền Nam nói chung, người dân Đồng Tháp nói riêng khi đến thăm có thể cảm nhận và hình dung về cuộc sống giản dị mà cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, vào mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác (ngày 19/5 hằng năm), rất đông những người con miền Nam lại về đây để tưởng nhớ đến vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Và cuối cùng Đoàn chúng tôi đi đến nhà trưng bài của Cụ Phó Bảng
Song song Nhà Kiếng là Nhà trưng bày cụ Nguyễn Sinh Sắc với diện tích 960 m2.. Nhà trưng bày mái lợp ngói, cột đổ bê tông, tường gạch, nền lát gạch granit, có một của chính và 4 cửa phụ.
Ở vị trí trang trọng nhất của nhà trưng bày là bức tượng đồng cụ Nguyễn Sinh Sắc trong  tư thế ngồi trên ghế,  tay cầm sách, mặt hướng ra trước với tầm bao quát rộng. Sau lưng tượng là hệ thống đai mỹ thuật 3 lớp cách điệu hình hoa sen màu hồng, tượng trưng cho cuộc sống thanh bạch, giản dị của cụ Phó bảng nhưng bên trong ẩn chứa sức sống mãnh liệt.

Chia đều hai bên đai cánh sen là bảng trích giới thiệu tiểu sử và sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc. Hai bức tranh lớn “Sông Lam Núi Hồng” – Nơi sinh ra cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và phong cảnh Đồng Tháp – Quê hương thứ hai nặng nghĩa tình, nơi hai lần Cụ về sinh sống, hoạt động gắn bó lâu dài và an nghỉ lúc cuối đời.

Cuối cùng là một số hình ảnh và hiện vật về Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp và cả nước xây dựng Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc.

 

 

 

Những hiện vật đã dùng trong buổi lễ khánh thành khu di tích Nguyễn Sinh Săc, ngày 13/2/1977

 

 

Cụ Sắc và cụ Lê Chánh Đáng bàn bạc cùng thanh niên Phạm Hữu Lầu và Lưu Kim Phong

 

Nguyễn Sinh Sắc cùng Nguyễn Tất Thành đến gặp Phan Châu Trinh ở Mỹ Tho

Xin chân thành cảm ơn Thường trực Huyện ủy, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, Phòng GD-ĐT Huyện Vĩnh Thuận đã tổ chức chuyến đi thực tế đầy ý nghĩa, chúng tôi được tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Hồ Chủ Tịch Việt Nam, trong không khí trang nghiêm, trọng thể, đông vui như một ngày hội lớn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Nếu đến với Đồng Tháp, bạn hãy dành thời gian để tới đây tìm về những giá trị thiêng liêng, hãy ghé về quê hương Đồng Tháp để ngắm nhìn vùng đất nơi đây. Để được một lần xem lại những kỹ vật, những thành tựu mà Cụ đã mang đến cho dân tộc Việt Nam.

Người viết: Nguyễn Thị Thẩm