CHIA SẺ KINH NGHIỆM RÈN CHỮ VIẾT CHO HỌC SINH LỚP 4/2
Lượt xem:
Căn cứ báo cáo tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025; hướng dẫn số 02/HD-PDGĐT ngày 06 tháng 9 năm 2024 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2024-2025 của phòng Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Thuận;
Căn cứ kế hoạch số 44/KH-PGDĐT, ngày 16 tháng 12 năm 2024 Tổ chức Hội thi viết chữ đẹp cấp tiểu học năm 2024-2025.
Căn cứ kế hoạch chuyên môn năm học 2024 – 2025 của trường Tiểu học Vĩnh Bình Bắc 3. Nay chuyên môn trường TH Vĩnh Bình Bắc 3 lập kế hoạch tổ chức hội thi “ Viết chữ đẹp, Văn hay chữ tốt cấp trường.
Thực hiện phong trào Giữ vở sạch – Rèn Chữ đẹp ở cấp tiểu học, tạo điều kiện cho học sinh trao dồi kĩ năng viết chữ và trình bày sạch đẹp, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục ở tiểu học.
Nhằm để phát huy vai trò và trách nhiệm của người giáo viên trong việc chăm lo rèn luyện chữ viết, duy trì những nề nếp, thói quen tốt trong học tập. Đặc biệt là người giáo viên chủ nhiệm luôn suy nghĩ làm cách nào để rèn chữ viết cho học sinh lớp mình vì hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0 mạng xã hội TikTok, Instagram và những trò chơi, video theo trend nhiều thú vị đã được số lượng lớn giới trẻ truy cập, trong đó có học sinh khối lớp 4, 5. Ở lứa tuổi này các em thích khám phá và bắt chước người khác, đặc biệt là bắt chước trend trên mạng. Bên cạnh đó thời gian và lịch học trên lớp dày đặc khiến các em thấy nhàm chán. Không còn tập chung để rèn chữ viết cho bản thân mình mà thay vào đó các em thích cầm điện thoại thông minh lước web khi rảnh. Từ đó ảnh hưởng rất nhiều đến chữ viết, bên cạnh đó các em còn hạn chế cách dùng từ, đặt câu; chưa biết cách viết bài văn hay. Vậy cần làm gì để rèn chữ viết cho học sinh? Cũng như cần làm gì để học sinh biết cách dùng từ ngữ, câu từ hay để viết bài văn hay. Đây là vấn đề nhiều thầy cô quan tâm, sau đây tôi xin chia sẻ một vài cách mình đã làm.
Bước 1: Bồi dưỡng lòng say mê và quyết tâm rèn chữ viết trong học sinh.
Trước tiên phải tìm hiểu kỹ đặc điểm của từng học sinh trong lớp để nắm bắt quá trình học tập cũng như sở thích của các em. Từ đó mới bước vào công việc rèn luyện chữ viết cho từng học sinh thông qua việc kể cho các em nghe gương những anh chị và các bạn học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi chữ viết trong những năm học trước. Cho các em xem vở luyện chữ của những học sinh tiêu biểu. Bên cạnh đó hàng ngày lên lớp, tôi luôn viết chữ đúng mẫu, đẹp và trình bày bảng khoa học. Cẩn thận trong cách ghi nhận xét thường xuyên trong tập của học sinh, để các em bắt chước tính cẩn thận của mình vì tâm lý các em rất nghe lời thầy cô.
Bước 2: Hướng dẫn cách cầm bút, tư thế ngồi.
Dạy học sinh cách cầm bút: Cầm bút bằng tay phải, cầm bằng 3 ngón: ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa. Dùng ngón cái và ngón trỏ giữ 2 bên thân bút. Ngón giữa đỡ lấy bút. Không cầm bút dựng đứng 90 độ mà để nghiêng về phía vai phải một góc khoảng 60 độ. Lòng bàn tay và cánh tay làm thành một đường thẳng. Khoảng cách giữa các đầu ngón tay và ngòi bút là 2,5cm.
Hướng dẫn tư thế ngồi:
Cần tập cho trẻ ngồi viết đúng tư thế, thoải mái, không gò bó
Khoảng cách từ mắt đến tập là 25-30 cm; hai chân thoải mái
Cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng, vuông góc với mặt ghế ngồi;
Tay trái xuôi theo chiều ngồi và giữ vở cho không bị lệch;
Ánh sáng phải chiếu từ bên trái sang.
Bước 3: Chia nhóm và luyện chữ cái thành 2 nhóm:
Nhóm chữ viết thường
– Nhóm 1: Nhóm các chữ cái có nét cơ bản là nét cong : e, o, ô, ơ, ê, x.
– Nhóm 2: Nhóm các chữ cái có nét cơ bản là nét cong phối hợp với nét móc và nét thẳng: a, ă, â, d, đ.
– Nhóm 3: Nhóm các chữ cái có các nét cơ bản là nét móc: i, u, ư, p, n, m.
– Nhóm 4: Nhóm các chữ cái có nét cơ bản là nét khuyết (hoặc nét cong phối hợp với nét móc): l, h, k, b, y, g.
– Nhóm 5: Nhóm các chữ cái có nét móc phối hợp với nét cong: r, s, v
Khi dạy cho học sinh viết, cần phân tích đặc điểm, cấu tạo của từng con chữ. Kết hợp với phương pháp trực quan từ chữ viết của thầy cô và các bài viết đẹp.
Nhóm cữ viết hoa.
– Nhóm 1 : Bắt đầu bằng nét cong trái đưa lượn phải lên trên: A, Ă, Â, M, N
– Nhóm 2 : Bắt đầu bằng nét sổ lượn trái: P, R, B, D, Đ
– Nhóm 3 : Đầu tiên là nét cong sang trái: C, E, Ê, G, L, S, T
– Nhóm 4 : Bắt đầu bằng nét cong trên: I, K, H, V
– Nhóm 5 : Bắt đầu tiên là nét cong kín: O, Ô, Ơ, Q
– Nhóm 6 : Có nét móc hai đầu: U, Ư, X, Y
Việc chia nhóm như vậy sẽ giúp học sinh so sánh được cách viết các chữ, tìm ra những điểm giống nhau và khác nhau của từng con chữ. Tất cả chữ viết hoa cỡ lớn cao 5 ly (dùng để viết tựa bài), cỡ nhỏ cao 2,5 ly. Từ đó, học sinh nắm chắc được cách viết và các em sẽ viết được chuẩn hơn, đẹp hơn. Vì vậy, tôi cũng cho các em luyện thêm cách viết theo nhóm trong các buổi rèn chữ viết cho học sinh.

Hình ảnh luyện viết của em Võ Thị Khánh Thi và em Trần Thị Ngoan trong 15 phút đầu giờ.
Bước 4: Rèn kỹ thuật viết nét thanh, nét đậm; kiểu chữ sáng tạo.
Kĩ thuật viết nét thanh, nét đậm áp dụng trong trường hợp học sinh thuộc nhóm có năng khiếu viết chữ đúng đẹp, tham gia luyện viết chữ đúng và đẹp cấp trường, cấp huyện. Những học sinh còn lại tôi chỉ yêu cầu viết đúng mẫu, đúng cỡ. Khi hướng dẫn học sinh viết chữ nét thanh, nét đậm, tôi vừa viết mẫu vừa nói rõ quy trình viết, chỉ khác bằng một mẹo nhỏ để học sinh dễ làm theo: Chú ý viết các nét rê lên đưa nhẹ tay hơn một chút tạo nét thanh bé, nét kéo xuống theo chiều đầu ngòi bút tạo nét đậm hơn nét thanh một chút. Khi viết bút mực, học sinh cần viết úp ngòi xuống, cổ tay, cánh tay để vuông góc…..
Lưu ý trong quá hướng dẫn viết các chữ:
+ Phải viết đúng cỡ, đúng chữ.
+ Các nét phải liền nhau.
+ Các con chữ trong một chữ phải viết liền nét.
+ Víêt đúng ô li đã quy định.
+ Giữa các chữ phải viết cách nhau khỏang 1 chữ o.
Bước 5: Hướng dẫn cho học sinh cách dùng từ, đặt câu và cách viết bài văn; cách trình bày khoa học.
Bồi dưỡng kiến thức về từ, câu; kỹ năng dùng từ, đặt câu và sử dụng dấu câu (Kết hợp trong tiết luyện từ và câu). Từ đó tích lũy kiến thức áp dụng vào viết bài văn phù hợp theo chủ đề khối lớp. Để học sinh viết được bài văn hay, giáo viên nên hướng dẫn học sinh viết mở bài và kết bài trước, sau đó rèn cách viết phần thân bài với đầy đủ nội dung theo từng thể loại bài (kết hợp vào tiết tập làm văn)
– Rèn luyện cách trình bày bài viết khoa học
Ngoài việc viết rõ ràng, dễ nhìn, sạch đẹp thì việc trình bày như thế nào là khoa học cũng là vấn đề không kém phần quan trọng. Chính vì vậy giáo viên cần quan tâm đến vấn đề này. Hướng dẫn cụ thể cho các em cách trình bày từng thể loại văn bản như Thơ 4 chữ, thơ 5 chữ phải trình bày ở giữa trang vở, ngay dưới tựa bài, chữ cái đầu dòng phải viết hoa và viết thẳng hàng, các chữ hoa có thể viết sáng tạo hoặc viết theo mẫu hiện hành. (tùy vào mỗi bài mà giáo viên hướng dẫn trực tiếp), tựa bài viết cỡ chữ lớn có thể kết hợp trang trí tựa bài. Cách trình bày tập làm văn có 3 phần (mở bài, thân bài, kết bài). Mỗi đoạn viết lùi vào 1 ô ly…..
Qua thời gian áp dụng các bước làm trên cũng như sự tích cực rèn luyện của các học sinh. Kết quả trong hội thi “Viết chữ đẹp” cấp huyện được tổ chức ngày 22/02/2025, học sinh lớp 4/2 trường Tiểu học Vĩnh Bình Bắc 3 đã đạt kết quả khả quan (1 giải nhì và 1 giải ba). Đây cũng là niềm động viên to lớn để cô và trò tiếp tục cố gắng ở những năm tiếp theo.
Người viết: Danh Thị Sa Rum