BIỆN PHÁP GIÁO DỤC LÒNG NHÂN ÁI GÓP PHẦN GIẢM THIỂU BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG CHO HỌC SINH LỚP 5 TRƯỜNG TIỂU HỌC VĨNH BÌNH BẮC 3
Lượt xem:
Trong thời gian gần đây, vấn nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Những xích mích, mâu thuẫn rất nhỏ hàng ngày cũng trở thành nguyên nhân dẫn đến những vụ tranh cãi, ẩu đả, đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng. Với học sinh tiểu học, chúng ta chưa thấy xảy ra những vụ việc lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng dễ bắt gặp trong bất cứ lớp học nào sự chê bai, chế giễu, sự tranh cãi, xung đột từ những việc rất nhỏ trong lúc vui chơi, sinh hoạt chung,…
Trong môi trường gia đình, sự hối hả, tất bật của cha mẹ trong vòng xoáy mưu sinh, sự phụ thuộc của con người vào thiết bị điện tử với những thú tiêu khiển cá nhân đã làm giảm đi sự quan tâm dạy dỗ con cái của các bậc cha mẹ, tạo ra một lỗ hổng vô cùng lớn cho lối sống ích kỷ, nhỏ nhen, vô cảm. Đặc biệt, lối hành xử nóng nảy, hung hăng được hình thành trong một số học sinh, dẫn đến vấn nạn bạo lực học đường diễn ra thường xuyên ở các mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Qua xem một số video về vấn nạn bạo lực học đường được phát tán trên các trang mạng xã hội, nhìn một số em hung hăng hay cáu giận, đánh nhau, nhất là những vụ đánh hội đồng trước sự chứng kiến vô cảm của các bạn học sinh chứng kiến mà đau lòng và trăn trở. Tôi nhận thức sâu sắc rằng nền tảng đạo đức của con người được hình thành và phát triển ngay ở bậc tiểu học. Và khi các em được bồi dưỡng lòng nhân ái, giáo dục nhận thức, hành vi ngay từ bậc học quan trọng này các em sẽ có được những kỹ năng điều chỉnh nhận thức, hành vi trong các bậc học tiếp theo.
Với việc đánh giá đúng thực trạng về nhận thức, phương pháp giáo dục lòng nhân ái cho con trẻ của cha mẹ, thầy cô và thực trạng bạo lực học đường cũng như sự hình thành, phát triển lòng nhân ái trong học sinh, tôi đã nghiên cứu, tìm ra một số giải pháp nhằm giáo dục, bồi dưỡng lòng nhân ái cho học sinh, cụ thể như sau:
- Nâng cao nhận thức của giáo viên và phụ huynh trong việc giáo dục lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, sẻ chia cho con trẻ
Chúng ta đều biết rằng, nhận thức là khởi nguồn của hành vi. Khi cha mẹ và thầy cô chưa coi trọng vấn đề giáo dục, bồi dưỡng lòng nhân ái cho con trẻ thì không bao giờ để tâm, suy nghĩ phải làm thế nào để giúp con em mình hình thành và phát triển lòng nhân ái và cũng không quan tâm đến hành vi của mình có ảnh hưởng như thế nào đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Những biểu hiện chưa đúng của trẻ không được cha mẹ, thầy cô quan tâm, uốn nắn sẽ dần trở thành thói quen xấu, hình thành lối sống ích kỉ, lệch lạc. Chính vì vậy, việc giúp cho cha mẹ, thầy cô, những người gần gũi và có ảnh hưởng nhất đến trẻ nhận thức được tầm quan trọng của phẩm chất nhân ái mà ngành giáo dục đặt ra có ý nghĩa rất lớn đến sự thành công của trẻ trong cuộc sống sau này. Thành công trong các mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp góp phần quyết định đến sự thành công trên con đường sự nghiệp nói riêng và thành công trong cuộc sống nói chung của trẻ.
- Tăng cường sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau của học sinh trong các hoạt động học tập và rèn luyện
Lòng nhân ái phải được hình thành một cách rất tự nhiên thông qua những hoạt động nhân ái, những hành vi ứng xử nhân văn hàng ngày. Với học sinh thì thông qua các hoạt động giúp đỡ nhau trong sinh hoạt hàng ngày trên lớp, trong lao động, học tập, vui chơi,… Giáo viên cần có sự phân công một cách có dụng ý để vừa đạt được hiệu quả công việc, vừa kết hợp giáo dục bồi dưỡng lòng nhân ái cho học sinh.
Giáo viên chú trọng vào việc kêu gọi tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoạt động có thể dù là nhỏ nhất và biểu dương, khen ngợi những hành vi đẹp thường diễn ra trong lớp học như: cho bạn mượn bút, thước kẻ, bút chì, động viên an ủi khi bạn buồn, chúc mừng chia vui với bạn khi bạn có chuyện vui, chăm sóc bạn khi ốm đau ở lớp,… Đó chính là cách bồi đắp lòng nhân ái đơn giản mà rất hiệu quả giúp hình thành nên nhân cách cho học sinh mỗi ngày.
- Bồi dưỡng cho học sinh lòng nhân ái thông qua việc tư vấn, giải quyết thỏa đáng những xung đột trong cuộc sống
Hàng ngày, chúng ta chứng kiến rất nhiều những hành vi chưa đúng, mang tính bạo lực của học sinh. Nhưng đa số, giáo viên chỉ chú ý vào những vụ đánh nhau để xảy ra những hậu quả, những vụ bạo lực gây chấn động dư luận được lan truyền trên mạng xã hội mà thường bỏ qua, gạt đi những tranh cãi, những mâu thuẫn nhỏ giữa học sinh trong lớp do áp lực về công việc và quỹ thời gian hạn hẹp. Nhưng chính những mâu thuẫn nhỏ, âm thầm đó lại là mầm mống tạo ra những cơn sóng ngầm, làm nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột lớn hơn hoặc tạo ra sự chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ và hình thành những tính xấu như lòng sân hận, sự ganh ghét, đố kị,… Đó là điều rất nguy hại, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ.
Vì vậy, khi đã nhận thức được vấn đề đó, giáo viên sẽ lưu tâm vào giải quyết những mâu thuẫn dù nhỏ, uốn nắn cách cư xử chưa đúng, chưa phù hợp của học sinh trong lớp một cách tự nhiên và có chủ đích nhằm bồi dưỡng lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, yêu thương cho các em.
- Giáo dục lòng nhân ái thông qua việc tổ chức các hoạt động nhân đạo, thiện nguyện
Mỗi năm nhận học sinh, giáo viên đều phải tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em, phát hiện học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự quan tâm giúp đỡ về vật chất hay tinh thần. Từ đó, giáo viên sẽ có kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực vừa giúp đỡ được các em, vừa bồi dưỡng được lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cho học sinh của lớp.
Ví dụ: Ngay từ đầu năm học, giáo viên phát động phong trào “Cùng bạn đến trường”, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập,…giúp đỡ bạn khó. Những ngày lễ tết (Tết Trung thu, Tết Nguyên đán) phát động phong trào “Cùng vui hội trăng rằm”, “Nuôi heo béo cùng đón Tết yêu thương”,…
Việc trao tặng quà cũng cần được giáo viên tổ chức thân mật, ấm áp tình bạn bè để các em có hoàn cảnh khó khăn không bị mặc cảm mà vui vẻ đón nhận sự quan tâm của thầy cô và bạn bè. Các bạn học sinh cũng cảm thấy hạnh phúc, vui vì mang đến niềm vui cho bạn.
- Nêu gương sáng về lòng nhân ái cho con trẻ học tập và noi theo
Trong các hoạt động thiện nguyện, hay trong các cách ứng xử hàng ngày với mọi người, phụ huynh và giáo viên phải luôn có ý thức nêu gương về lòng nhân ái. Bởi học sinh tiểu học có đặc điểm tâm lý rất thiên về cảm xúc. Các em sẽ cảm thấy ngưỡng mộ, tự hào về cha mẹ, thầy cô giáo của mình và thích học tập làm theo. Ngược lại, các em sẽ vô cùng thất vọng, mất lòng tin và không nghe theo nếu cha mẹ, thầy cô làm ngược với lời cha mẹ, thầy cô nói. Nghiêm trọng hơn, các em cũng sẽ bắt chước và làm theo cách ứng xử của cha mẹ, thầy cô. Vì vậy noi gương là một trong những biện pháp vô cùng hiệu quả trong việc giáo dục học sinh nói chung và giáo dục lòng nhân ái nói riêng.
Trên đây là kinh nghiệm mà bản thân đã áp dụng nhằm giáo dục lòng nhân ái cho học góp phần giảm thiểu bạo lực học đường, xin chia sẻ cùng các bạn./.
Người viết: Lê Thành Tài