GIÚP HỌC SINH LỚP 5 TRƯỜNG TIỂU HỌC VĨNH BÌNH BẮC 3 CHỮA LỖI DÙNG TỪ KHI VIẾT VĂN MIÊU TẢ

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

       Trên thực tế, phân môn Tập làm văn là một phân môn tương đối khó đối với học sinh tiểu học. Hầu hết học sinh viết văn còn sai nhiều lỗi, đặc biệt là lỗi dùng từ, đặt câu. Để giúp HS khắc phục các lỗi mắc phải, sau đây là một số kinh nghiệm mà bản thân đã áp dụng để hướng dẫn học sinh chữa các lỗi mắc phải khi viết văn miêu tả.

  1. Lỗi về kết hợp từ

Ví dụ: Cô Lan có hàm răng trắng thẳng tắp.

            Ở ví dụ này, thẳng tắp (nghĩa là thẳng thành một đường dài) dùng để miêu tả hàm răng là không hợp lí, nên thay từ này bằng từ đều đặn.

 

                               Học sinh lớp 5/1 trong giờ viết tập làm văn.    

        2. Lỗi dùng từ thừa, lặp từ

Ví dụ : Khi trăng lên, cánh đồng lúa quê em trở nên thơ mộng hơn biết bao.

Ở ví dụ này, cần bỏ một trong hai từ : hơn hoặc biết bao. Tuy nhiên, nên bỏ từ hơn và giữ lại từ biết bao vì từ này giúp cho câu văn miêu tả hay và truyền cảm hơn.

  1.  Lỗi dùng từ không đúng phong cách

            Mỗi loại văn bản có đặc điểm riêng về ngôn ngữ, về cách dùng từ. Vì thế, có những từ chỉ thích hợp hoặc chỉ được dùng trong một phong cách ngôn ngữ nào đó. Do không ý thức rõ về chuẩn mực phong cách của kiểu bài văn miêu tả nên nhiều học sinh đã sử dụng những từ ngữ thuộc phong cách ngôn ngữ nói (chỉ phù hợp trong sinh hoạt hằng ngày) vào trong bài văn miêu tả (thuộc phong cách ngôn ngữ viết, sử dụng ngôn ngữ có tính nghệ thuật).

            Ví dụ : Suốt năm học này, em chưa thấy thầy la rầy một học sinh nào.

Trong ví dụ trên, các từ ngữ la rầy không nên sử dụng trong bài văn miêu tả, do đó cần phải thay thế bằng các từ ngữ khác cho phù hợp hơn, chẳng hạn như nặng lời trách mắng,…          

                       Em Trọng Nhân (lớp 5/1) đọc bài làm văn trước lớp.

  1. Lỗi dùng từ thiếu hình ảnh, cảm xúc

      Văn miêu tả là loại văn giàu hình ảnh và cảm xúc. Trong bài văn miêu tả yêu cầu dùng từ đúng là chưa đủ mà còn phải biết dùng từ hay. Bởi khi mình dùng từ đúng lúc, đúng chỗ, những từ ngữ gợi tả, gợi cảm những hình ảnh so sánh, nhân hóa,… sẽ làm cho đối tượng miêu tả được thể hiện ra một cách cụ thể, sinh động. Đồng thời cũng bộc lộ được tình cảm, cảm xúc của người viết cũng như khơi gợi tình cảm, cảm xúc của người đọc. Chính vì thế, thông qua thao tác thay thế từ, giáo viên có thể giúp học sinh biết cách sử dụng những từ ngữ gợi tả, gợi cảm, … trong bài văn miêu tả.

Ví dụ : Chiếc bút máy của em có màu đen.

Câu văn ở ví dụ trên nếu xét một cách độc lập, tách khỏi bài văn miêu tả thì hoàn toàn bình thường cả về cấu tạo ngữ pháp cũng như về ý nghĩa. Tuy nhiên, khi đặt trong bài văn miêu tả có thể thấy chúng chưa thật sự hay, chưa hấp dẫn và truyền cảm. Do đó cần thay thế vào vị trí của những từ ngữ miêu tả thiếu hình ảnh và cảm xúc này bằng các từ láy, tính từ gợi tả, gợi cảm hoặc hình ảnh so sánh, nhân hóa, … thích hợp.

Ở ví dụ này có thể thay từ đen bằng các từ ngữ như đen nhánh, đen bóng,… Những từ ngữ được thay thế này có tác dụng tạo nên những hình ảnh cụ thể, thể hiện rõ nét trước mắt người đọc.

                  Em Trọng Khương (Lớp 5/1) nhận xét bài làm văn của bạn.

Trên đây là kinh nghiệm mà bản thân đã áp dụng nhằm hướng dẫn học sinh lớp 5 cách sử dụng từ khi viết văn miêu tả, làm cho bài văn được diễn đạt mạch lạc và sinh động hơn, xin chia sẻ cùng các bạn./.

 

                                                                                Người Viết: Lê Thành Tài